Phân tích ngành (Industry analysis) là gì? Cách phân loại ngành

Phân tích ngành (tiếng Anh: Industry analysis) là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó.

Phân tích ngành (Industry analysis)

Khái niệm

Phân tích ngành trong tiếng Anh là Industry analysis.

Phân tích ngành là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó, bao gồm: thống kê cung cầu, mức độ cạnh tranh trong ngành và với các ngành mới nổi khác, triển vọng tương lai và ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến ngành. (Theo: Corporate Finance Institute)

Vai trò của phân tích ngành trong đầu tư chứng khoán

Phân tích ngành là có vai trò quan trong trong phương pháp đầu tư cơ bản:

– Hiểu về mô hình và môi trường kinh doanh của công ty: Phân tích ngành thường là bước đầu tiên quan trọng trong việc lựa chọn và định giá cổ phiếu vì nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ hội tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh và rủi ro kinh doanh của công ty.

Đối với một nhà phân tích tín dụng, phân tích ngành giúp đánh giá về khả năng trả nợ của công ty sử dụng nợ vay.

– Xác định các cơ hội đầu một cách hiệu quả: Các nhà đầu tư thực hiện phương pháp đầu tư từ trên xuống (top-down) sử dụng phân tích ngành để xác định triển vọng về lợi nhuận và sự tăng trưởng (tích cực, trung lập hay tiêu cực) của các ngành.

Dựa vào những đánh giá đó, các nhà đầu tư sẽ thay đổi tỉ trọng cổ phiếu nếu họ cho rằng thị trường đang định giá không đúng so với triển vọng của ngành.

– Phân bổ danh mục đầu tư: Việc phân tích ngành giúp nhà quản lí danh mục lựa chọn được những ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn để tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Các cách phân loại ngành

Có ba cách tiếp cận chính để phân loại ngành:

– Sản phẩm, dịch vụ cung cấp

– Sự nhạy cảm với chu kì kinh doanh (Business-cycle sensitivities)

– Tương đồng về mặt thống kê (Tương đồng về hiệu suất đầu trong quá khứ)

Theo sản phẩm, dịch vụ cung cấp

Theo quan điểm này, một ngành được định nghĩa là một nhóm các công ty cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau.

Ví dụ, các công ty lớn trong ngành công nghiệp xe tải hạng nặng bao gồm Volvo, Daimler AG, Paccar và Navistar. Những công ty này sản xuất xe tải lớn chạy trên đường cao tốc.

Tương tự, một số công ty lớn trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu là Toyota, General Motors, Volkswagen, Ford, Honda, Nissan, PSA Peugeot Citroën và Huyndai, tất cả đều sản xuất những chiếc xe hạng nhẹ và có thể thay thế cho nhau.

Thuật ngữ lĩnh vực (Sector) thường được sử dụng để chỉ một nhóm các ngành có liên quan. Ví dụ, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bao gồm một số ngành: Dược phẩm, công nghệ sinh học, thiết bị y tế, vật tư y tế, bệnh viện và các ngành bảo hiểm sức khỏe.

Theo cách phân loại ngành này, việc xếp một công ty vào ngành nào đó dựa trên cơ sở xác định hoạt động kinh doanh chính của nó. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là nguồn mà công ty lấy được phần lớn doanh thu hoặc lợi nhuận.

Ví dụ, các công ty có được phần lớn doanh thu từ việc bán dược phẩm, bao gồm Novartis AG, Pfizer Inc., Roche Holding AG, GlaxoSmithKline và Sanofi-aventis SA, có thể được nhóm lại thành ngành dược phẩm.

Ví dụ về hệ thống phân loại dựa trên sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng rộng rãi: GICS (The Global Industry Classification Standard), RGS (Russell Global Sector) và ICB (Industry Classification Benchmark).

Sự nhạy cảm với chu kì kinh doanh

Các công ty được phân loại vào một nhóm trên cơ sở độ nhạy cảm tương đối với chu kì kinh doanh và thường được chia thanh hai nhóm: Công ty có tính chu kì (Cyclical) và không có tính chu kì (Non-cyclical).

– Một công ty có tính chu kì là công ty có lợi nhuận tương quan mạnh với sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế. Các sản phẩm và dịch vụ theo chu kì thường tương đối đắt tiền, có thể bị trì hoãn nếu cần thiết (ví dụ: Do thu nhập khả dụng giảm).

Ví dụ về các ngành theo chu kì: Ô tô, nhà ở, vật liệu cơ bản, công nghiệp và công nghệ.

– Một công ty không có tính chu kì là công ty có kết quả phần lớn độc lập với chu kì kinh doanh. Các công ty này sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà nhu cầu tương đối ổn định trong suốt chu kì kinh doanh.

Ví dụ về các ngành không có chu kì: Thực phẩm và đồ uống, các sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tiện ích.

Hạn chế của việc phân loại ngành theo chu kì

Các cuộc suy thoái nghiêm trọng thường ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của nền kinh tế. Vì vậy không có tính chu kì chỉ là một thuật ngữ tương đối.

Ngoài ra, các quốc gia khác nhau sẽ phát triển qua các giai đoạn khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Khu vực này có thể đang ở giai đoạn phát triển kinh tế, các khu vực khác có thể bị suy thoái. Điều này làm phức tạp việc áp dụng phương pháp tiếp cận theo chu kì kinh doanh để phân tích ngành.

Ví dụ, một nhà bán lẻ trang sức (tức là một công ty có tính chu kì) bán tại quốc gia đang có nền kinh tế suy yếu sẽ có hiệu suất khác biệt rõ rệt so với một công ty trang sức hoạt động tại quốc gia có nhu cầu mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc kết hợp dữ liệu từ các công ty như vậy để thiết lập các giá trị chuẩn của ngành sẽ gây hiểu nhầm.

Tương đồng về mặt thống kê

Cách tiếp cận theo phương pháp thống kê dựa trên mối tương quan của lợi nhuận của chứng khoán trong quá khứ.

Phương pháp tổng hợp này thường dẫn đến các nhóm công ty thay đổi đáng kể tùy theo khung thời gian và khu vực thống kê.

Hơn nữa, các phương pháp thống kê dựa trên dữ liệu lịch sử nhưng không đảm bảo rằng các giá trị tương quan trong quá khứ sẽ tiếp tục trong tương lai.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình CFA level I năm 2019)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!