Chứng khoán là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định khái niệm chứng khoán như sau: Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Có thể thấy, chứng khoán là tài sản, những loại chứng khoán được quy định cụ thể tại khoản 2; khoản 3; khoản 4 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 như sau:

– Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

– Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

– Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

– Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

– Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

– Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Chứng khoán lưu ký là gì?

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu về hoạt động lưu ký chứng khoán. Theo khoản 34 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 thì lưu ký chứng khoán là việc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khác hàng thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán lưu ký. Khi giao dịch trên thị trường chứng khoán, lưu ký chứng khoán là hoạt động rất cần thiết cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dưới đây là một số lý do phải lưu ký chứng khoán:

– Lưu ký là điều kiện tiên quyết để Sở giao dịch chứng khoán cho phép giao dịch mua bán trên thị trường.

– Giúp tiết kiệm các chi phí bảo quản, cất trữ và chi phí in ấn cho các chứng chỉ chứng khoán.

– Tránh được tình trạng chứng khoán bị hư hỏng, thất lạc hay mất cắp. -Gia tăng chỉ số vòng quay vốn đối với nhà đầu tư nói riêng và trên thị trường nói chung. Đồng thời qua đó còn đảm bảo được tính thanh khoản.

– Nâng cao an toàn, uy tín cho các đối tượng tham gia. Giảm thiểu được các rủi ro hoạt động từ thị trường.

– Các giao dịch gửi hoặc rút chuyển nhượng, hạch toán, … đều có thể thực hiện được trên điện thoại hoặc máy tính vô cùng tiện lợi.

Tuy nhiên, sẽ bắt buộc phải lưu ký chứng khoán nếu nhà đầu tư muốn giao dịch chứng khoán trên sàn giao dịch. Việc mua bán thông qua sàn sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn và thủ tục lưu ký cũng diễn ra rất đơn giản, do đó nhà đầu tư nên đăng ký lưu ký chứng khoán. Nếu không, khi muốn giao dịch, nhà đầu tư phải đến tận nơi phát hành chứng khoán, đăng ký mua với họ và hưởng quyền lợi từ nơi phát hành đó.

Từ đó, có thể hiểu chứng khoán lưu ký là một loại chứng khoán (các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp) sau khi đã được ký gửi tại hệ thống lưu ký chứng khoán. Chỉ có chứng khoán đã lưu ký mới có thể thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ở đây, hệ thống lưu ký chứng khoán sẽ bao gồm có Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Thành viên lưu ký chứng khoán (gồm các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại được cấp phép). Chứng khoán lưu ký là chứng khoán có thể thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, chứng khoán lưu ký là chứng khoán đã được lưu ký và tồn tại dưới hình thức dữ liệu điện tử, tích hợp vào tài khoản đầu tư chứng khoán của khách hàng trên cơ sở đăng ký ở công ty chứng khoán hoặc VSD. Khách hàng thực hiện giao dịch thông qua Sở giao dịch chứng khoán và mua bán trực tiếp trên sàn giao dịch.

Ví dụ về chứng khoán đã lưu ký: chứng khoán được ghi nhận trên tài khoản chứng khoán đã được đăng ký.

Chứng khoán chưa lưu ký là gì?

Để hiểu được khái niệm chứng khoán chưa lưu ký là gì, chúng ta cần nắm rõ về giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần hay còn gọi là Sổ cổ đông. Thực tế, đây là một giấy tờ do công ty cổ phần tạo ra để chứng nhận phần vốn góp của các cổ đông cấu thành nên vốn điều lệ của công ty. Đồng thời, theo thời gian thì việc mua bán chuyển nhượng cũng khiến cho danh sách và số lượng cổ đông thay đổi.

Theo quy định, khi công ty cổ phần chưa phải là công ty đại chúng thì việc mua bán trao đổi quyền sở hữu cổ phần sẽ do Hội đồng quản trị của công ty đó quản lý và phải có báo cáo cho Sở Kế hoạch Đầu tư.

Cách thức mua bán trong thời kỳ này khá đơn giản. Hai bên mua – bán chỉ cần gặp nhau trực tiếp, sau đó tiến hành thỏa thuận về giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán. Nếu hợp lý thì thực hiện ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Cuối cùng, hai bên cùng ra Công ty cổ phần đó để Hội đồng Quản trị chứng nhận việc sang nhượng số cổ phần đó.

Như vậy, chứng khoán chưa lưu ký được hiểu là loại chứng khoán vẫn đang tồn tại dưới dạng sổ cổ đông hoặc Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Trường hợp các Công ty Cổ phần chưa phải Đại chúng hoặc đã là Đại chúng nhưng chưa đăng ký lưu ký với Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam thì vẫn giao dịch mua bán được. Tất cả mọi quyền lợi như cổ tức tiền mặt, đại hội cổ đông sẽ được thực hiện qua Công ty cổ phần đó hết.

Ngược lại, nếu đó là các Công ty Đại chúng đã đăng ký lưu ký với Trung tâm và cũng đã có mã chứng khoán thì nếu cầm sổ cổ đông như vậy chắc chắn là không mua bán được. Khi đó, bạn muốn bán được sổ cổ phiếu đó cần phải mở tài khoản tại một Công ty Chứng khoán. Tiếp theo, bạn gửi Giấy chứng nhận đó cho Công ty Chứng khoán nhằm thực hiện chuyển tiếp lên VSD để được lưu ký, niêm yết lên sàn và giao dịch như chúng ta vẫn thấy hàng ngày.

Ví dụ về chứng khoán chưa lưu ký: Sổ cổ đông.

Phân biệt chứng khoán lưu ký và chứng khoán chưa lưu ký

Chứng khoán đã lưu ký là loại chứng khoán đang tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử được tích hợp vào các tài khoản đầu tư chứng khoán. Việc này dựa trên cơ sở các thông tin của khách hàng đăng ký tại trung tâm VSD hay tại Thành viên lưu ký. Hiện nay, loại chứng khoán này đang lưu hành trên sàn (HOSE, HNX hoặc UPCOM). Các nhà đầu tư giao dịch hằng ngày thông qua các tài khoản chứng khoán được mở tại các công ty chứng khoán.

Để có thể mua bán các chứng khoán đã được lưu ký, nhà đầu tư cần thực hiện các quy định về giao dịch thông qua Sở giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, cần lưu ý:

Chứng khoán đã lưu ký + Chứng khoán chưa được lưu ký = Tổng lượng chứng khoán đang niêm yết

Cùng là chứng khoán nhưng chứng khoán đã lưu ký và chưa lưu ký có một số đặc điểm phân biệt rõ rệt. Về cơ bản, hai loại chứng khoán này chỉ khác nhau về hình thức sở hữu. Cụ thể:

– Chứng khoán chưa lưu ký: Được ghi nhận dưới dạng Sổ cổ đông hoặc Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán. Khi làm thủ tục chuyển nhượng, nhà đầu tư cần đem theo chứng minh nhân.

– Chứng khoán đã lưu ký: Được ghi nhận trên tài khoản chứng khoán đã được đăng ký. Khi làm thủ tục chuyển nhượng, người bán chỉ cần đem theo chứng minh nhân dân là được.