Một thị trường thỏa mãn được ba đặc tính là tập hợp người tiêu dùng có mức độ quan tâm, có thu nhập phù hợp, có khả năng tiếp cận tới một sản phẩm/dịch vụ đã được thiết kế là thị trường mục tiêu tiềm năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tham gia mọi thị trường tiềm năng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải phân tích đánh giá các thị trường để chọn ra những thị trường mục tiêu phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
1-Phân tích thị trường là gì?
Phân tích thị trường là việc đánh giá, nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường để có thông tin về sự hấp dẫn và năng động của một thị trường. Thông qua phân tích thị trường, có thể xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của một doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn.
Vì sao cần phải phân tích thị trường?
Cho dù là một doanh nghiệp nhỏ đang tìm cách tham gia thị trường hay tăng thị phần kinh doanh, hoặc kể cả là một thương hiệu đang dẫn đầu ngành thì phân tích thị trường luôn đem lại những lợi ích trông thấy. Nó không chỉ giúp cho doanh nghiệp biết mình đang ở đâu, hoạt động tốt không mà còn chỉ ra những cơ hội phát triển, mở rộng.
2-Các yếu tố phân tích thị trường
1-Quy mô thị trường (Market size)
Quy mô thị trường được xác định thông qua tiềm năng của thị trường đó về bán hàng. Quy mô thị trường xác định giới hạn về tổng nhu cầu của thị trường phụ thuộc vào số lượng người tiêu dùng và khối lượng mua của họ.
Quy mô thị trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng để một doanh nghiệp xác định xem có nên kinh doanh ở một thị trường hay không và đầu tư vào nó như thế nào. Nếu quy mô thị trường quá nhỏ đối với doanh nghiệp, việc không tham gia vào thị trường đó là hợp lý. Bởi vì có thể doanh thu từ thị trường đó còn không đủ để bù đắp chi phí bỏ ra. Ngược lại với quy mô thị trường lớn thì cũng có nhiều vấn đề nảy sinh.
Thông thường, quy mô thị trường càng lớn thì số lượng đối thủ cạnh tranh sẽ càng nhiều và miếng bánh thị trường bị chia làm càng nhiều miếng. Khi tham gia vào một thị trường có quy mô hơn, kể cả thị trường đó là hoàn toàn mới và gần như chưa ai khai thác nó, thì doanh nghiệp vẫn chẳng thể buông lỏng. Bởi sớm muộn, cạnh tranh trong thị trường đó sẽ trở nên sôi động, doanh nghiệp muốn phát triển và tồn tại cần tìm ra hướng đi cho mình. Đồng thời phải đảm bảo những chi phí mình bỏ ra cho thị trường đó đủ để dành được thị phần mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Để có được thông tin về quy mô thị trường, doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu từ các nguồn sau đây:
- Dữ liệu từ chính phủ
- Dữ liệu từ các hiệp hội thương mại
- Dữ liệu từ các báo cáo về ngành
- Khảo sát khách hàng
2-Xu hướng thị trường
Xu hướng thị trường là sự thay đổi, hay phát triển của thị trường thiên về một yếu tố nào đó. Với sự xuất hiện của xu hướng thị trường thì quy mô thị trường trong một giai đoạn trở nên khó dự đoán.
Việc thay đổi của xu hướng thị trường có thể do các yếu tố về kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ. Việc phân tích và nắm bắt xu hướng thị trường là một điều quan trọng để doanh nghiệp thực hiện các nỗ lực marketing chính xác.
Để có thể nắm bắt nhanh chóng các xu hướng thị trường, doanh nghiệp nên đặt mối quan tâm đến các đối tượng, yếu tố sau:
- Khách hàng (Tâm lý, hành vi)
- Chính trị (Các quy định, luật)
- Văn hóa
- Công nghệ (Sự phát triển của công nghệ)
- Các thị trường tương tự ở nước ngoài
3-Tốc độ tăng trưởng của thị trường
Một thị trường thì không bao giờ bất biết, nó sẽ tăng trưởng, kể cả trường hợp tăng trưởng âm. Doanh nghiệp cần phải dự đoán được việc tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng của thị trường để đầu tư một cách hợp lý. Doanh nghiệp cần biết được thị trường nào đang tăng trưởng, đang bão hòa hay đang suy giảm.
Việc hiểu biết về sự tăng trưởng của thị trường này sẽ giúp các quyết định đầu tư trở nên hiệu quả. Không một ai muốn dồn tất cả nguồn lực vào một thị trường đang có dấu hiệu suy giảm mạnh cả.
Để dự đoán tốc độ tăng trưởng của thị trường doanh nghiệp cần phải xem xét tình hình thị trường hiện tại và sử dụng những báo cáo về thị trường trong quá khứ.
4-Lợi nhuận thị trường
Bên cạnh quy mô thị trường, thì lợi nhuận từ thị trường cũng là một trong các yếu tố quan trọng nhất khi quyết định tham gia vào thị trường. Bởi vì đơn giản là động lực kinh doanh của các doanh nghiệp là lợi nhuận và họ tham gia hay mở rộng thị trường để tăng thêm lợi nhuận.
Dù trong một thị trường, lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Để có thể đánh giá, tính toán lợi nhuận thị trường, doanh nghiệp có thể dựa vào mô hình 5 lực lượng của Porter:
- Sức mua
- Nhà cung cấp
- Rào cản gia nhập
- Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế
- Sự hợp tác của các công ty trong ngành
5-Cơ cấu chi phí ngành
Việc xác định được cơ cấu chi phí là cực kỳ quan trọng trong việc biết được các yếu tố thành công của doanh nghiệp. Để xác định được cơ cấu chi phí, mô hình chuỗi giá trị của Porter có thể được sử dụng hiệu quả.
Theo đó, một chuỗi giá trị là một tập hợp các công việc mà một công ty thực hiện để cung cấp sản phẩm có giá trị ra thị trường. Như vậy, doanh nghiệp có thể xác định chi phí thông qua mỗi công việc mà công ty cần thực hiện để cung cấp sản phẩm ra thị trường.
6-Đối thủ cạnh tranh
Phân tích thị trường thì không thể nào bỏ quên đối thủ cạnh tranh được. Bất kỳ ngành nghề, hay lĩnh vực nào thì đều có cạnh tranh, nó như là một phần tất yếu của kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh tốt thì cần biết cách sống chung với đối thủ cạnh tranh của mình.
Mục đích của việc phân tích đối thủ cạnh tranh trong phân tích thị trường là có cái nhìn đúng đắn về họ. Cần nắm chắc được điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, định vị thương hiệu,… của họ để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý.
Có một cách đơn giản mà hiệu quả đó là phân tích và đánh giá các đối thủ cạnh tranh theo từng yếu tố thúc đẩy nhu cầu trong thị trường. Ví dụ như giá cả, chất lượng, hệ thống phân phối,…
7-Rào cản gia nhập
Rào cản gia nhập thị trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo sự ổn định của thị trường. Rào cản thị trường góp phần bảo vệ các doanh nghiệp trong thị trường bởi sự cạnh tranh mới.
Một thị trường mà không có rào cản gia nhập hay rào cản gia nhập quá thấp thì không thực sự tiềm năng dù quy mô thị trường có lớn như thế nào.
Một số ví dụ về rào cản gia nhập có thể kể đến như: Vốn, công nghệ, thương hiệu, quy định,…
8-Nhân khẩu học
Đây là một trong những yếu tố mà doanh nghiệp sẽ để ý ngay đầu tiên khi xem xét khách hàng của mình là ai. Tuy nhiên, nhân khẩu học thực sự có ý nghĩa sử dụng để phân khúc khách hàng, khi mà doanh nghiệp cần phân tích về khách hàng sâu hơn.
3-Cách tiến hành phân tích thị trường
Dưới đây trình bày năm bước phân tích thị trường mà bạn nên thực hiện.
3.1. Xác định mục đích phân tích thị trường
Cũng giống như tất cả các hoạt động kinh doanh khác, điều quan trọng nhất là bạn cần hiểu tại sao phải phân tích thị trường ngay từ đầu. Với một mục tiêu rõ ràng, sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn phương pháp và thu thập dữ liệu cần thiết để phân tích.
Khi tiến hành phân tích, tìm hiểu thị trường bạn cần phải xác định xem mối quan tâm của mình đang đặt ở đâu. Có thể là bạn muốn hiểu rõ đối thủ cạnh tranh trong ngành đang có những lợi thế gì, tìm kiếm một thị trường mới để kinh doanh, tìm kiếm cơ hội mới cho doanh nghiệp,…
3.2. Xác định thị trường mục tiêu
Thông qua các tiêu chí phân đoạn thị trường, bạn sẽ cần phải chia thị trường ra thành các đoạn nhỏ hơn. Trong đó, mỗi đoạn bao gồm những khách hàng có những điểm tương đồng với nhau.
Cuối cùng, bạn chọn ra một hoặc một số đoạn thị trường mà doanh nghiệp có thể phục vụ và có tiềm năng đem lại lợi nhuận. Doanh nghiệp cần biết chi tiết các thông tin về khách hàng bao gồm cả hành vi mua hàng, tâm lý, khả năng chi trả, thói quen, nhu cầu…
3.3. Xác định đối thủ cạnh tranh
Bạn cần phải xác định được đối thủ cạnh tranh của bạn là ai, hiểu được những thách thức họ phải đối mặt và điều gì làm nên thành công của họ. Cần phải xác định được lợi thế cạnh tranh của họ, điều gì làm họ nổi bật.
3.4. Thu thập dữ liệu
Phụ thuộc vào mục đích phân tích dữ liệu mà yêu cầu về dữ liệu cần thu thập cũng khác nhau.
3.5. Phân tích thị trường
Để có thể phân tích thị trường, bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hỗ trợ. Hãy xem thêm về các phần mềm phân tích dữ liệu.
Nguồn: Thebusinessplanshop + Pestleanalysis + Wikipedia + Uschamber