Thị trường chứng khoán luôn là kênh đầu tư yêu thích của các nhà đầu tư hiện nay. Chứng khoán phái sinh là một tài sản giúp các nhà đầu tư thu về lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, tài sản này chỉ được các nhà đầu tư lâu năm biết tới. Những nhà đầu tư khi mới tham gia thị trường chứng khoán biết rất ít thông tin về chứng khoán phải sinh. Vậy chứng khoán phái sinh là gì, lợi ích mang lại cho nhà đầu tư tham gia thị trường này thế nào? Hãy cùng Dream Investment tìm hiểu những thông tin quan trọng về thị trường chứng khoán phái sinh nhé.
1. Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính có giá trị tùy thuộc vào sự biến động giá của tài sản cơ sở.
Chứng khoán phái sinh được tạo ra với nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là để phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận của chủ sở hữu hoặc tạo ra lợi nhuận. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh hiện được chia thành 2 loại chính là hàng hóa và công cụ tài chính.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, chứng khoán phái sinh chính là một sản phẩm cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào 2 chiều tăng hoặc giảm của chỉ số VN30.
Nếu như, dự đoán của nhà đầu tư là đúng và chỉ số VN30 có xu hướng thay đổi giống như kỳ vọng thì nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận. Sản phẩm phái sinh này còn có tên gọi là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
2. Đặc điểm của chứng khoán phái sinh là gì?
Đối với nhà đầu tư, việc tìm kiếm các tài sản có giá trị mang đến lợi ích cho mình chính là điều mà họ luôn mong muốn. Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu… chứng khoán phái sinh cũng được nhà đầu tư quan tâm rất nhiều.
Vậy đặc điểm của chứng khoán phái sinh là gì? Dưới đây sẽ là một vài điểm mà bạn sẽ nhận thấy khi đầu tư vào thị trường chứng khoán phái sinh:
- Công cụ đầu tư: Chứng khoán phái sinh cung cấp cho các nhà đầu tư công cụ để hạn chế những rủi ro, đầu cơ và đầu tư chênh lệch giá
- Cách thức hoạt động: Về cơ bản thì cách thức giao dịch chứng khoán phái sinh cũng không quá khác so với thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh lại được đánh giá cao hơn về tính linh hoạt. Các nhà đầu tư CKPS sẽ được sử dụng nhiều tính năng thú vị như bán khống, giao dịch T+0,…
- Tài chính: Chứng khoán phái sinh cho phép các nhà đầu tư thu về lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn mà mình bỏ ra. Chỉ cần ký quỹ một phần tài sản, CKPS sẽ được giao dịch với mức gấp 8 – 10 lần số vốn nhà đầu tư dùng để ký quỹ.
3. Ưu điểm của chứng khoán phái sinh là gì?
Có rất nhiều chuyên gia tài chính cho rằng chứng khoán phái sinh là một sản phẩm đầu tư có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cổ phiếu và trái phiếu, cụ thể đó là các ưu điểm gì?
- Đòn bẩy cao
- Nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận trong cả 2 chiều ( Tăng, giảm ) của thị trường
- Khi trong quá trình giao dịch T + 0, nhà đầu tư không cần phải chờ hàng về
Tuy nhiên, nếu bạn là một nhà đầu tư thì chắc hẳn sẽ biết rằng để kiếm được lợi nhuận từ việc đầu tư không bao giờ là đơn giản.
Dù chứng khoán phái sinh có nhiều ưu điểm hơn cổ phiếu hay trái phiếu đi chăng nữa thì sản phẩm này vẫn sẽ có những hạn chế nhất định. Đó chính là rủi ro cao và đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng quan sát thị trường thật tốt. Nếu bạn không trang bị cho mình đầy đủ kiến thức hay những kỹ năng cần thiết thì chắc chắn sẽ gặp nhiều rủi ro trong thị trường chứng khoán phái sinh đó nhé.
Từ những đặc điểm trên của chứng khoán phái sinh, chúng tôi cũng khuyên các bạn củng cố thêm kiến thức về đầu tư cho mình. Đồng thời học các chiến thuật, bí quyết đầu tư hiệu quả để trở thành một nhà đầu tư thông minh và thành công nhé.
4. Hoạt động của Thị trường chứng khoán phái sinh là gì?
Thị trường chứng khoán phái sinh là gì? Nếu như các bạn biết tới các khái niệm thị trường chứng khoán hay thị trường tiền điện tử, đó đều là những nơi diễn ra các hoạt động mua, bán tài sản. Nhưng thị trường chứng khoán phái sinh lại không hoạt động như vậy.
Thị trường này không phải là nơi để giao dịch các tài sản thông thường mà là nơi để các nhà đầu tư giao dịch các quyền, hợp đồng hay các nghĩa vụ chuyển nhượng quyền sở hữu giữa người với người.
Không chỉ thế, thị trường chứng khoán phái sinh còn là nơi dành cho các công cụ CKPS. Tại nơi đây, các nhà đầu tư sẽ được sử dụng các công cụ mang tính hợp đồng hoặc có tính tương tự hợp đồng.
Chính vì thế, đòi hỏi giữa các nhà đầu tư với nhau phải có sự thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên mua và bán. Những hợp đồng này sẽ được định giá riêng, người mua thì muốn mua với mức giá rẻ còn người bán thì lại muốn bán ở mức giá cao.
5. Chứng khoán phái sinh có các loại nào?
Trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay có rất nhiều loại CKPS được phát hành, vậy các loại đó là gì?
5.1. Hợp đồng kỳ hạn
Loại chứng khoán phái sinh đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập tới các bạn đò là hợp đồng kỳ hạn. Đây là một hợp đồng đã có sự thỏa thuận của hai bên mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm đã được xác định trong tương lai. Tuy là vậy nhưng mức giá cả tài sản đó lại được quyết định rõ ràng ở thời điểm hiện tại.
5.2. Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai chính là hợp đồng đã được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên trên sàn chứng khoán. Để có thể tham gia vào một vị thế của hợp đồng tương lai, nhà đầu tư cần phải ký quỹ một phần của tổng giá trị hợp đồng lúc ban đầu vào tài khoản phái sinh.
5.3. Hợp đồng quyền chọn
Với loại hợp đồng quyền chọn, người sở hữu sẽ có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua, bán bất kỳ loại tài sản cơ sở nào đã được xác định giá ở thời điểm hiện tại trong tương lai. Người bán hợp đồng quyền chọn sẽ có trách nhiệm thực hiện giao dịch trong khi người đang nắm giữ hợp đồng sử dụng quyền.
Trong hợp đồng quyền chọn đã bao gồm có quyền chọn mua và quyền chọn bán.
5.4. Hợp đồng hoán đổi
Hợp đồng hoán đổi là sự thỏa thuận của hai bên tham gia giao dịch về việc hoán đổi các dòng tiền hoặc các điều khoản tài chính phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng nêu rõ thời gian dòng tiền thay đổi và phương pháp tính toán cụ thể. Do đó, có rất nhiều loại hợp đồng hoán đổi khác nhau như hợp đồng hoán đổi lãi suất, hợp đồng hoán đổi tiền tệ,…
6. Đặc điểm của thị trường chứng khoán phái sinh là gì?
Dưới đây là một số đặc điểm của thị trường chứng khoán phái sinh
6.1. Thời gian giao dịch chứng khoán phái sinh là gì
Thời gian thị trường phái sinh mở cửa để giao dịch hợp đồng tương lai sẽ sớm hơn thị trường cơ sở 15 phút, nhưng kết thúc cùng lúc với thị trường cơ sở, cụ thể như sau:
Phiên sáng:
- Phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa: 8h45 – 9h00
- Phiên khớp lệnh liên tục: 9h00 – 11h30
- Giao dịch thỏa thuận: 8h45 – 11h30
Nghỉ trưa: 11h30 – 13h00
Phiên chiều:
- Phiên khớp lệnh liên tục: 13h00 – 14h30
- Phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa: 14h30 – 14h45
- Giao dịch thỏa thuận: 13h00 – 14h45
6.2. Cách tính toán giá hợp đồng phái sinh
Quy tắc tính giá hợp đồng tương lai dựa trên chênh lệch giá thanh toán cuối ngày với giá bình quân gia quyền theo số lượng của mỗi vị thế, tính riêng theo từng mã hợp đồng. Sau khi có chênh lệch thì bù trừ ròng để xác định nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư.
Công thức tính chênh lệch (lãi/lỗ) vị thế cuối ngày là:
VM cuối ngày= (DSPt – VWAP)* Số HĐ* Hệ số nhân
Trong đó:
- VWAP là giá bình quân gia quyền theo số lượng
- DSP là chênh lệch giá thanh toán cuối ngày
Có 4 trường hợp VWAP như sau:
- Nhà đầu tư ở vị thế mua: VWAP= Giá bình quân gia quyền mua.
- Nhà đầu tư ở vị thế bán: VWAP= Giá bình quân gia quyền bán.
- Số hợp đồng: dấu (+) nếu vị thế mua, dấu (-) nếu vị thế bán.
- Trường hợp không phát sinh giao dịch trong ngày VWAP = DSPt-1
Ví dụ:
Trong phiên giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở 3 vị thế mua VN30F1002 với giá 1130. Sau đó, tiếp tục mở 2 vị thế mua VN30F1002 có giá 1135. Nhà đầu tư giữ vị thế mua đến hết phiên, DSP là 1134.
Theo cách tính ở trên ta có:
Giá bình quân gia quyền mua lúc này là: (3*1130 + 2*1135)/5 = 1132
VM = (1134-1132)*5*100.000 = 1.000.000. Lợi nhuận nhà đầu tư thu được là 1.000.000đ.
6.3. Giá mua một hợp đồng phái sinh là bao nhiêu?
Giá của một hợp đồng phái sinh tùy thuộc vào tỉ lệ ký quỹ ban đầu của mỗi công ty. Và giá trị cũng tùy thuộc vào chỉ số VN30 tại mỗi thời điểm khác nhau.
Giả sử CTCK có mức ký quỹ ban đầu là 13%, chỉ số VN30 hiện tại là 1130.
Giá trị 1 hợp đồng nếu đóng/mở vị thế là: 1130*100.000*13%=14.690.000 vnd
7. Sự khác nhau giữa thị trường chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh là gì?
Các nhà đầu tư khi mới tham gia thị trường chứng khoán rất dễ nhầm lẫn giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Vậy sự khác nhau giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh là gì? Bạn có thể tham khảo bảng so sánh chúng tôi đưa ra dưới đây nhé:
Chứng khoán cơ sở | Chứng khoán phái sinh | |
Số lượng chứng khoán được niêm yết / phát hành | Có giới hạn | Không giới hạn |
Bán khống chứng khoán | Ở một số thị trường, chứng khoán cơ sở bị cấm hoặc bị hạn chế bởi những đặc điểm của chúng | Có thể tham gia vị thế bán mà không cần phải sở hữu tài sản cơ sở |
Vốn giao dịch | Bằng tổng giá trị số chứng khoán mà nhà đầu tư mong muốn | Bằng một phần giá trị của CKPS |
Thanh toán | Sẽ được thanh toán ngay sau khi thực hiện giao dịch thành công | Sẽ được thanh toán vào một thời điểm nhất định trong tương lai |
8. Năm bước tham gia thị trường chứng khoán phái sinh đơn giản
Sau khi được tìm hiểu rõ về chứng khoán phái sinh là gì, chắc chắn bạn đang rất nóng lòng muốn biết cách để tham gia vào thị trường phái sinh như thế nào đúng không. Không để các bạn phải đợi lâu nữa, hãy tham khảo ngay 5 bước để tham gia thị trường CKPS ở dưới đây. Chi tiết như sau:
Bước 1: Tạo tài khoản
Việc đầu tiên mà các bạn cần phải thực hiện khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh đó chính là tạo tài khoản chứng khoán phái sinh. Không giống với tài khoản chứng khoán cơ sở, để lập được tài khoản CKPS, bạn cần phải đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên, đây chính là ưu điểm được nhiều người đánh giá cao của thị trường CKPS. Sẽ có nhân viên gọi điện để hướng dẫn các nhà đầu tư đăng ký tài khoản từ A – Z.
Bước 2: Nộp tiền ký quỹ
Sau khi tạo thành công tài khoản, nhà đầu tư cần phải trải qua một bước nữa đó là kích hoạt tài khoản. Để kích hoạt tài khoản thành công thì bạn cần nộp tiền ký quỹ ban đầu theo đúng quy định. Tùy vào từng thị trường mà phần trăm ký quỹ sẽ khác nhau. Vì thế, hãy nghiên cứu thông tin thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhé.
Bước 3: Đặt lệnh giao dịch
Ngay sau khi nộp tiền ký quỹ thành công, bạn hoàn toàn có thể đặt lệnh giao dịch phái sinh để thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, lưu ý là nên lựa chọn thời điểm thích hợp để đặt lệnh nhé. Nếu bạn đặt bừa bãi sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro đó.
Bước 4: Thanh toán lợi nhuận và lỗ
Khi đã tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư sẽ phải thanh toán lãi và lỗ đúng như những gì mình đã cam kết với hợp đồng. Lợi nhuận và lỗ sẽ được tính dựa trên mức giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng trong tương lai.
Đối với các trường hợp có hợp đồng đến ngày đáo hạn thì lợi nhuận và lỗ sẽ được tính dựa trên giá đóng cửa chỉ số vào thời điểm đáo hạn của hợp đồng.
Bước 5: Theo dõi tỷ lệ trên thị trường
Nếu như tài khoản phái sinh của nhà đầu tư có số dư ký quỹ ở dưới mức quy định thì công ty chứng khoán sẽ nhắc nhở và yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung vốn vào tài khoản. Bên cạnh đó, nếu như tài khoản phái sinh ký quỹ vượt quá giá trị ký quỹ yêu cầu thì nhà đầu tư có thể rút phần dư đó để làm lợi nhuận.
Để biết chi tiết hơn về các thị trường chứng khoán phái sinh, bạn nên tìm hiểu về một thị trường CKPS cụ thể nhé. Chúng tôi chỉ hướng dẫn cho bạn các bước cơ bản, công việc còn lại của bạn chính là tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ càng để lựa chọn một thị trường phù hợp.
9. Những lưu ý khi giao dịch chứng khoán phái sinh
Khi giao dịch chứng khoán phái sinh, sau khi đã nắm giữ vị thế, nhà đầu tư cần theo dõi hai loại tỷ lệ: Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và tỷ lệ tài khoản phái sinh.
Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = Giá trị ký quỹ yêu cầu/Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ
Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = Giá trị ký quỹ yêu cầu/Giá trị tài sản ròng hợp lệ
Giá trị ký quỹ yêu cầu = IM + VM + DM
Trong đó:
IM: Ký quỹ ban đầu theo quy định của Trung tâm lưu ký.
VM: Giá trị lỗ ròng phát sinh trong phiên (nếu có).
DM: Ký quỹ chuyển giao, dùng thay cho IM đối với các hợp đồng phái sinh chuyển giao vật chất đến ngày đáo hạn.
Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ: Số tài sản ký quỹ hợp lệ đã nộp lên Trung tâm lưu ký.
Giá trị tài sản ròng hợp lệ: Số tài sản ký quỹ hợp lệ đã nộp lên Trung tâm lưu ký + tiền tại Công ty chứng khoán – nợ tại CTCK
Các CTCK sẽ quy định các mức an toàn, cảnh báo và xử lý đối với từng tỷ lệ này:
– Mức an toàn: Nhà đầu tư sẽ được giao dịch chứng khoán phái sinh tối đa cho tới khi tỷ lệ đạt mức an toàn này.
– Mức cảnh báo: Khi vượt quá mức này, CTCK sẽ gọi bổ sung ký quỹ và nhà đầu tư phải nộp thêm ký quỹ hoặc đóng bớt vị thế để tỷ lệ về thấp hơn hoặc bằng mức an toàn.
– Mức xử lý: Tài khoản của nhà đầu tư sẽ bị xử lý đóng vị thế nếu vượt quá mức này.
10. Kết luận
Vậy là trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi đã tổng hợp toàn bộ kiến thức trọng tâm về thị trường chứng khoán phái sinh. Mong rằng các bạn đã được bổ sung nhiều kiến thức mới mẻ và có thể tự tin trả lời chứng khoán phái sinh là gì.
Các câu hỏi thường gặp
Giao dịch T0 trong chứng khoán phái sinh là như thế nào?
Bạn hoàn toàn có thể đóng mở vị thế liên tục trong phiên mà không cần chờ T+ như trong cổ phiếu. Vòng quay sẽ liên tục.
Giá của một hợp đồng được tính như thế nào?
Giá của một hợp đồng phái sinh tùy thuộc vào tỉ lệ ký quỹ ban đầu của mỗi công ty. Và giá trị cũng tùy thuộc vào chỉ số VN30 tại mỗi thời điểm khác nhau.
Giả sử CTCK có mức ký quỹ ban đầu là 13%, chỉ số VN30 hiện tại là 1130.
Giá trị 1 hợp đồng nếu đóng/mở vị thế là: 1130*100.000*13%=14.690.000 vnd
Ký quỹ trong chứng khoán phái sinh là gì?
Đây là khoản tiền hoặc chứng khoán mà Nhà đầu tư gửi lên Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Quy định hiện nay mức tối thiểu tỷ lệ kí quỹ là 80% so với tài sản ký quỹ.